PNO - Cái miền quê ấy, phía trước có con sông chảy qua làng, xanh ngắt. Làng nép mình vào con sông, bình yên mà thư thái. Dạo đó, khi giếng quê chưa có nhiều, nước máy cũng chưa kịp về đến làng, nước sông là nguồn nước sử dụng chính của người quê. Và ở đó, cái bến quê hiện hữu như một phần máu thịt của họ.
Nước sông quê trong vắt, mát lành, ngày nắng đứng trên bờ có thể soi bóng xuống dòng sông và đôi lần cứ ngỡ có thể nhìn thấy đáy sông sâu. Nhà thường được dựng dọc con sông, nên trước nhà ai cũng có bến. Bến quê vì thế đã vô thức trở thành điểm...thông tin của làng. Sáng sáng chiều chiều, chỉ cần có mặt ở cái bến quê ấy, có thể góp nhặt được mọi thứ chuyện trên đời, cả trong làng ngoài xóm.
Những nhà ở ven sông sẽ…sắm riêng cho nhà mình một cái bến. Nhưng những nhà sâu bên trong làng, nhiều nhà lại dùng chung một bến, người ta gọi đó là bến xóm.
Bến xóm luôn đông đúc người xuống người lên không khi nào thanh vắng. Vào tầm buổi sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, người làng đã tấp nập bắt đầu một ngày mới bằng việc gánh nước. Nước sông luôn ưu tiên gánh vào tầm sáng sớm để dùng cho cả một ngày. Và lúc ấy, nước sông trong vắt và phủ một lớp mờ sương khói, sóng sánh dưới nắng ban mai, tinh khiết và trong lành. Người làng mang đôi quang thùng để gánh nước. Nếu nhà neo người hoặc đã bận ra đồng hết thảy, trẻ con lại thay mẹ thay chị gánh nước. Trẻ nhỏ không có sức như người lớn nên chỉ gánh được “cò ke”. Một thùng nước được móc giữa chiếc đòn gánh, 2 đứa trẻ sẽ gánh “cò ke” hai đầu. Con đường bến thường được “phở” xuôi xuôi để việc gánh nước cũng như đi lại không bị khó khăn và mất nhiều sức.
Bến quê bao giờ cũng có một cây sung thật to, nằm im lìm che chở cho con bến như bà mẹ hiền ôm con vào lòng. Bởi vậy, dù trưa hè có hanh nắng, có oi nồng, bến vẫn mát rượi. Lúc đó, những ngôi nhà mái tôn trong làng nóng như đổ lửa, những người già lại ra bến sông tắm mát và ngồi chuyện vãn. Cứ thế, chuyện làng chuyện xóm cứ mãi kéo dài cho hết canh trưa tại cái bến quê nhỏ bé mà đầy ân tình đó.
Vào tầm chiều tối, là giờ cái bến nhỏ chộn rộn nhất. Trẻ con sau một ngày chơi đùa vấy bẩn, được lôi xuống bến tắm rửa kỳ cọ, cũng lúc đó, bến vang dội tiếng trẻ con đùa nghịch, la ó ầm trời. Đó cũng là thời điểm người làng đi làm đồng về, kéo nhau ra bến tắm rửa. Người ta kể chuyện nhà chuyện xóm chuyện đồng. Người xuống bến trước hỏi người xuống sau những câu thăm hỏi đại loại như “cô, chú, bác, dì đi bến muộn thế?” hay “cô chú bác dì đi làm về trễ thế?”. Hóa ra cũng tại cái bến nhỏ ấy, sau những giờ bận rộn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người quê lại bày tỏ sự quan tâm, chia sẽ với nhau. Ân tình nằm ở chổ đó mà ra. Bến quê vì thế mà ồn ào tấp nập thêm một chốc nữa trước khi chìm vào giấc ngủ của bóng đêm.
Cứ tưởng cái bến quê nhỏ bé và dung dị ấy sẽ tồn tại mãi với làng quê như lũy tre xanh, như cây đa, như sân đình, như dòng sông nhỏ hiền hòa. Một thuở còn vang tiếng nói cười, còn rộn bóng người lên xuống, bến quê giờ hiu hắt, um tùm cỏ mọc chẳng có người ghé qua. Muốn xuống bến quê cũng chẳng tìm ra lối.
NGỌC HÀ ( Báo PN )
2019 Copyright © THIẾT BỊ ĐIỆN BÁCH VIỆT All rights reserved. Design by NINA Co.,Ltd
Đang online: 5
Thống kê tuần: 496
Tổng truy cập: 377523